1. Chọn tiếng gáy.
-Khi nó thấy con bổi phất ngang nó gù phóng hay gù rước mấy đạt ...ta đánh giá ngay con này chơi được còn hay dở cở nào thì phải xem "hậu" nó ra làm sao!
-Khi bổi nhập tàn cây mà nó cứ cúc cu, cúc cu ...hoài thì con này gọi là thúc trơn, chổ này ta phải để ý xem nó có thúc dồn hay không!(thúc dồn là tiếng sau nhanh hơn tiếng trước, càng lúc càng tăng tốc, loại này dùng được) còn nếu nó cứ đều đều một ga thì ta loại bỏ ngay, chơi nghe buồn ngủ lắm.
-Có con lại: Cù cú cu, cù cụ ; cù cú cu, cù cụ ; cù cú cu, cù cụ ...loại này gọi là kèm mắc me. Nên chọn nuôi.
-Có con lại: Cù cú cu, cù cụ, cù cụ ; cù cú cu, cù cụ, cù cụ ... Thúc một tiếng gù hai tiếng thì gọi là kèm đôi. Còn thúc một tiếng gù ba tiếng thì gọi là kèm ba …. khi gáy đấu với con bổi nghe ghiền. Loại này chỉ trên rừng mới còn, nên bắt mà nuôi.
-Có con: Cù cú cu, cù cụ, cù cụ, cù cụ, cù cụ, cù cụ .... thúc một tiếng gù cả dây gọi là kèm bo ... loại này nghe khỏi chê ... bao nhiêu cũng không bán.
- Có con: Cứ thúc hoài lâu lâu gù một tiếng gọi là kèm dặm ... nghe không đã.
Trên đây ta chỉ đánh giá con mồi qua từng loại giọng kèm mà thôi còn hay hay dở thì chờ vào giai đoạn cuối xem nó có bắt được con bổi kia hay không đó mới là điều đáng nói. Con nào càng về khuya càng gù hậu nhiều thì ta chọn nuôi, cứ con bổi nhúc nhích là nó gù ngay ... bổi nào mà không đá, đấu không thua bất kỳ con bổi nào cả, không có biết sợ thì ta nên chọn mà nuôi.
2. Chọn cách ứng xử.
Thực ra thì ngay từ khi bẫy, các nghệ nhân cũng đã sơ bộ đánh giá được cách ứng xử của chú mồi tương lai khi lâm trận rồi. Thường những con chim này phải đấu, chuyền cành, chuyền cây xung quanh vị trí của mồi lồng rất là nhiều để quan sát và chọc tức con mồi (nó là con chim khôn), có lúc lại bay vút lên cao như là bay đi, có lúc lại có thể sà xuống đất giả vờ kiếm ăn… cũng ở giai đoạn cận chiến các bác có thể quan sát thấy có nước sa cầu máy cánh hay không (nước này rất quan trọng với một chú chim mồi) còn những con lao vút ngay lại cành thế rồi chui tọt vào lưới ngay thì chả tính làm gì các bạn ạ!
- Khi bẫy về được rồi, sau khi nuôi nấng cẩn thận và chim đã tương đối dạn dĩ (có thể là chưa cần gáy ngay) thì cho vào lồng bẫy (hoặc lồng nhỏ) sạp (kê gần) lại với chim mồi, khi thấy chim mồi gáy mà nó xoay ngang, xoay dọc, bước lên, bước xuống cầu và sàn lồng nhẹ nhàng khoan thai tuyệt đối không chòi lồng để lăn xả ra đòi chiến với chim mồi (chim chân dài như người mẫu các bác cũng cứ sạp thế này nhé, nhiều con không chòi lồng đấu ạ, dùng làm mồi vẫn tốt đó ạ) .
3. Chọn tướng chim mồi (cái này trong các muc khác có rồi tôi thôi không nhắc lại nữa nhé!)
4. Chọn nết ăn uống và khả năng thích nghi của chim mồi! Có một số người không quan tâm đến vấn đề này, vì vậy khi có một chú mồi rồi mà không quan tâm đúng mức, chăm sóc cẩn thận có thể chim mồi sẽ không còn sức chiến đấu nữa.
Mỏ thẳng để không chòi lúa (nếu chim mỏ cong thì ống mồi phải làm miệng chum), Phải là con chim chịu lồng nghĩa là nó phải thích nghi với lồng bẫy bé nhỏ cùng điều kiện mà con người tạo ra cho nó trong lồng. Nó phải là con phàm ăn (ăn được nhiều loại ngũ cốc), ăn nhiều.(nó biểu hiện bằng màu sắc lông mượt mà) siêng gáy,...
Phải chịu nắng, phải hiền chim, dạn người, bền chim. Chim ít gù thì tiêu hao năng lượng ít nên đi bẫy được hàng tuần, không bã chim còn chim nhiều gù thì ngược lại.
5. Một số lưu ý khi chọn chim mồi
Khi chọn chim mồi lồng, các bác lưu ý giúp em là phải phân biệt được chim mồi với chim chiến ạ:
Chim mồi: Là chú chim phải có đủ các nước dụ chim rừng mà đỉnh cao là bất kì con nào khi gặp nó phải chịu khuất phục các nước dụ của nó và phải vào nằm gọn trong lưới để nhập hộ khẩu nhà ta ạ.
Chim chiến: là chú chim có nhiều nước dọa các chú khác làm cho phải sợ uy lực của mình ( bằng tiếng gù, bằng vỗ cánh, bằng chòi lồng sang để chiến,...) những chú chim chiến này nếu dùng để bẫy chim thì ít hiệu quả trong số đó có những chú có nước gù nhiều và gù gắt ạ.
Chọn con chim để nuôi làm mồi lồng ngay từ ngoài rừng!
***
Việc đầu tiên để chọn một con chim mồi đó là phải kiểm tra các nước đấu của nó ngay từ ngoài rừng. Ở ngoài rừng với điều kiện tự nhiên là lúc chú chim này căng lửa nhất, người nuôi phải có nhiều kĩ năng mới giúp chúng ta khi được bắt về nuôi mới đạt được đỉnh cao này.
Thứ nhất là: chọn tiếng gáy. Tiếng gáy của chú chim mồi tương lai không cần giọng thổ đặc (chim giọng thổ thường chậm tiếng), không nên chọn giọng kim (vì bé quá nên khả năng thách thức đối phương trong phạm vi quá hẹp mà gặp lúc có gió thì hiệu quả gọi chim rừng thấp) tốt nhất là chọn giọng chim mồi là thổ pha hoặc kim pha,...
Gáy gọi: phải là con đắt khách, cất tiếng lên là nhiều con chim khác lên tiếng và muốn lại đấu ngay (cái này em cảm nhận được nhưng diễn tả bằng lời thì hơi khó. Ví dụ: cúc cu cu...cù tiếng cù sau cùng rất có uy lực,...)
hoặc các bác nên chọn chú mồi gáy gọi 3 tiếng (gọi là gáy mổ ba, trơn ròng, gáy hụt, hay gáy thiếu,...) hoặc mổ đôi (gáy gọi có 2 tiếng cúc cu....) đây là những chú chim mồi rất đắt khách đấy ạ!
Gáy trận: Phải cực kì nhặt, nhặt nhưng mà không gắt phải chọn chim có lèo, càng nhiều lèo càng tốt. Chim mồi phá lèo nhiều thì bổi càng nhanh nhảy vào đánh chim mồi.
Gù:Nếu chim có nhiều gù thì tốt vì gù nhiều dễ làm chim rừng nổi nóng (Nhưng chim nhiều gù thường nhanh xuống sức nếu đi đánh nhiều ngày liên tục) Nếu chim ít gù thì phải kiểm tra bằng cách đánh thử xem nó có biết gù đúng lúc không, (khi chim rừng vào cành thế là phải gù liên tục chim rừng mới nổi nóng và nhẩy vào cầu tử). Và nhất định phải là con có nước gù rất êm, không được gắt gỏng, (nếu gù gắt quá, rát quá làm cho chim rừng sợ hoặc ngại không dám tiếp cận để chiến đấu).
Được con chim có các nước gáy, nước gù như trên là các bác đã có kết quả bước đầu của công việc chọn và luyện chim mồi rồi ạ!
Chọn những con chim rừng có nhiều giọng (khả năng đảo được nhiều giọng, ví dụ: gáy gọi giọng kim pha (gáy gọi mà nhặt như gáy trận), thổ pha hoặc thổ đồng, gáy trận giọng đồng (nghe rền, ngân vang và gáy trận nghe liên hoàn như là "dây dây, nhừa nhựa",...), gù phải êm, thật êm vào và mỗi hồi gù của nó có thể lên tới hơn chục tiếng thậm chí vài chục tiếng.
Thứ hai là: chọn những con chim rừng có rất nhiều cách ứng xử với chim mồi. Lúc lâm trận thì ra hết nước gáy, nước đánh. Gáy trận, ra lèo, dặm, gù chồng,...khi thi đấu thì bám mồi vài ngày trời không biết chán,... cứ mồi lên tiếng là nó xuất hiện ngay nhưng dụ cho nó vào lưới thì không phải dễ chút nào!
Có lúc nó đang đấu với mồi say sưa chợt im bặt hàng 30 phút không đi mà chỉ đậu quanh lồng mồi mặc cho mồi khai triển hết tài năng. Có lúc đang gáy trận với mồi chợt gáy gọi như bỏ quên, phớt lờ mồi (các bác lưu ý là nước đánh này không phải con chim rừng nào cũng có đâu nhé! hứa hẹn nó là con mồi lồng có nhiều nước đánh trong tương lai đấy!)
Thứ ba là: con chim này thường là chúa của vùng đó vì cứ đang đấu với mồi là có một con khác bay tới (định đánh hôi nó nhân cơ hội có mồi đánh nó) thì nó lại bay tới gù cho chạy mất dép luôn rồi lại trở lại đấu với mồi,...
Thứ tư là: về ngoại hình khi nó bay qua bay lại mà ta (chủ nhân tương lai của nó) nhìn thấy được nó sẽ (phải) thế này các bác này: (Hì hì,... có khi các bác không tin đâu nhỉ?! thân nó rất dài, thon và điểm đặc trưng nhất của những chú chim này là gì các bác có đoán biết được không ạ?! đó chính là cái đuôi của nó! đa phần những chú chim hay, lâu vào lưới là những chú chim có đuôi rất dài (hình như nó liên quan đến cái đuôi vót trong kinh nghiệm chọn tướng mạo của chim gáy thì phải, và hầu như những chú chim có đuôi dài thường rất khôn ngoan!). Theo kinh nghiệm của mình thì chim đuôi dài bẫy khó khăn hơn rất nhiều lần so với chim đuôi ngắn!
Những chú chim rừng có đặc điểm kể trên khi bẫy thì gần như 10 con sẽ có tới 8-9 con làm mồi được và trong số đó có rất nhiều chim mồi hay.
Những chú chim hay thường là những chú chim khó bẫy. Và người chơi phải thực sự có kinh nghiệm cộng vơi sự khôn ngoan của chim mồi nữa mới có thể thu phục được chúng. Điều này lí giải tại sao tại các cửa hiệu bán chim cảnh lại không hoặc ít xuất hiện chim bổi hay mà chỉ có người chơi tặng hoặc nhường nhau chơi mà thôi các bác nhỉ?!
Nếu gặp những con bổi hay các bác đừng nản lòng khi chinh phục nó vì có khi cả năm hoặc vài năm mới mong bắt được nó để làm mồi đấy! (từ xưa tới nay vẫn vậy mà!).
Phương pháp huấn luyện một con mồi lồng
***
Các nghệ nhân thường nói với nhau rằng: Bắt được một con bổi hay đã khó, mà nuôi nó nổi lên để làm con mồi càng khó hơn nữa ...có con nuôi hàng chục năm vẫn chưa nổi nhưng có con nuôi chỉ vài tháng là mang đi tập được ....thường thì nghệ nhân cho rằng con nào nuôi sớm nổi thì mau tàn nhưng theo tôi thì không đúng ...chỉ vì xem tướng chưa hết giá trị, đánh giá chưa hết tài năng của con mồi nên mới nói vậy thôi ...Con nào mà "phụng vỹ đầy đủ" thì nuôi đến già vẫn là con mồi hay.
Khi con bổi ta nuôi đã nổi đừng mang đi tập vội mà ta phải chờ cho nó nổi mùi, nằm xuống vỹ mà giật "sa cầu nhịp cánh" hay thấy con gà, con chó đi ngang qua là nó cắm đầu gù lia gù lịa ...đây là giai đoạn chính mùi còn chờ gì mà không mang đi tập ... Nhưng nhớ phải theo từng giai đoạn đừng có vội vàng mà hư việc nghen.
- Giai đoạn 1: Tập treo cây, nay treo cây này, mai treo cây khác, mỗi cây treo ở nhiều vị trí cao, thấp khác nhau. Khi nào thấy ở từng vị trí chim đều gáy tốt là đạt. Tiếp đó cho làm quen với rừng, ở giai đoạn này ta chỉ đi bộ thôi ngày đầu khoảng 1-2km treo nó 2 đến 3 kèo. Nên nhớ treo nó ở cây thông thoáng trước xem nó có chịu gáy hay không? Lúc đầu có thể chim chưa gáy (mặc dù ở nhà đã gáy ầm ĩ) các bác nhớ là phải kiên nhẫn nhé! Một vài lần như thế là chim sẽ gáy thôi (khi chim gáy một vài tiếng là được rồi, là thành công bước đầu rồi đó). Canh giờ xem bao lâu nó gáy ... khi bổi bay ngang nó có gù phóng hay không? bổi nhập cây nó có dám gù hay không?
+ Ở trường hợp này mà nó không dám gù với con bổi ta phải quan sát xem nó có sù lông lên tìm đường đi ra ngoài cắn mổ hay teo lại ...
Nếu xù lông lên, tung bạch bạch thì hai ngày sau đi bẫy tiếp, còn teo lại thì đem về nuôi tiếp ...
+ Nó dám gù đấu với con bổi ta cho nó đấu tự do không can thiệp.... nếu may mắn bắt được con bổi ta đừng gở bổi vội mà để cho con bổi vùng vẫy khoảng 15 đến 20 phút ta xem con mồi có dám gáy gù hay không?
* Nếu nó dám gù thì anh nầy là loại lì lợm không sợ bất cứ con gì, kể cả bồ cắt, ngày mai mang đi tiếp nhưng treo nó vào cây rậm, xem nó có dám gáy gù không ... Ở giai đoạn một này con bổi mà lì như trên thì ta chỉ cần đi khoảng 10 ngày mà ngày nào nó cũng gáy gù, dù cây thưa hay cây rậm, dù trong mát hay ở ngoài nắng mà nó vẫn gáy thì coi như ta đã thành công được một bước đầu ...
* Nếu bổi dẫy bao nhiêu nó dẫy bấy nhiêu thì anh này nhất định tắt tiếng ít nhất cũng một tuần ....chờ khi nào nó gáy gù trở lại ta mới mang đi tập tiếp loại này tập vất vả đây. Loại này Ta nên áp dụng chiêu sau: Khi có chim rừng đến các bác để cho chim mồi đấu với chim rừng một hồi rồi đuổi chim rừng đi. Một lúc sau chim mồi gáy gọi chim rừng đến ta lại cho đấu một lúc rồi đuổi chim rừng đi, cứ lặp đi lặp lại nhiều lần như thế nhé, đừng ham cho đấu nhiều, nhỡ gặp con chim già rừng nó dọa chim mồi là hỏng đấy, đừng bao giờ làm chim mồi nhụt chí (tương lai của nó còn cả ở phía trước mà các bác).
Sau nhiều lần đi tập (thường là khoảng gần một mùa bẫy ở Miền Bắc,.. khoảng 3-5 tháng với thời lượng 1 tuần vài lần đem tập) chim mồi đã gáy thuộc và có đủ bản lĩnh rồi thì ta mới mang chim ra trận
- Giai đoạn 2 : Cho quen dần với xe cộ ...
Ngày đầu cho nó lên xe nổ máy để đó thỉnh thoảng rịnh rịnh vài phát ...khoảng 30 phút tắt máy mang nó treo lên cây gần nhà xem có còn dám gáy gù không? làm như vậy hai ba ngày gì đó. Nếu nó vẫn gáy gù bình thường thì ngày hôm sau ta chở nó đi khoảng 5km đánh thử vài kèo sau đó mang nó về (nhớ là chạy xe chậm chậm thôi nghen chứ chạy nhanh quá coi chừng nó bị bể xe, cứ đi bộ thì gáy gù mà mang lên xe thì tắt tiếng ....nhớ nghen từ từ thôi, dục tốc bất đạt ...)
Đi ba ngày liên tục sau đó nghỉ hai ngày cho nó lại sức, ở thời gian này ta chỉ đi một buổi thôi nhưng hôm nay buổi sáng thì ngày mai đi buổi chiều, hôm nay treo cây rậm, ngày mai treo cây thưa, chổ mát chổ nắng ....
Sau đó ta đi xa hơn khoảng 30 đến 40 km mà tốc độ xe chạy 80 đến 90 km/h mà nó vẫn gáy gù thì coi như ta đã thành công bước nữa rồi ...
- Giai đoạn 3: Tập đi rừng. Ở giai đoạn này ta cho nó làm quen với việc đi xe trong đêm đến sáng thả ra là đánh liền, vừa mệt vừa đói ....tập cho nó quen dần với việc đi xa, đói khát, lạnh, tốc độ xe ... nhưng nhớ đi trong ngày về thôi, khoảng 100km là được, về cho nó nghĩ 3 đến 4 ngày sau đó ta đi tiếp Cho nó va chạm với đủ loại bổi, dữ có, hiền có .... đủ giọng son, sấm, thổ, đồng ...coi nó phản ứng ra sao, nó có sợ giọng nào không? (lúc trước Nguyên cũng có một con sấm thổ mang đi tập nó bắt được 11 con bổi mà nó đụng con sấm đồng ở Suối dây là nó tắt đài ... khi con bổi về gù bao nhiêu nó cũng gù trả bấy nhiêu nhưng khi con bổi không gù nữa chuyển sang thúc thì nó im re ... mặc dù đã bắt được 11 con bổi) cái này đến giờ Nguyên vẫn không lý giải nổi ...có lẽ ở ngoài đồng nó đã bị một con sấm đồng nào đó đá cho sắp chết nên bể luôn).
Dù là rừng sâu hay rừng thưa mà nó vẫn gáy gù coi như ta đã hoàn tất quy trình huấn luyện một con mồi cây ....giờ thì ta chỉ còn chờ nó trổ tài mà thôi .... Chúc các bạn thành công.